Theo chuyên gia Anh Nguyễn, tương tác và trò chuyện với bé trong thai kì và trong những năm đầu đời chính là cách giúp não bộ của trẻ ghi nhớ lâu hơn.
Làm sao não bộ của trẻ học và phát triển?
Một khái niệm đơn giãn về việc học và ghi nhớ của não bộ được các chuyên gia Nhi Khoa thường chia sẻ: Những năm đầu đời, não trẻ là một bức tranh lớn cần lấp đầy những mảnh ghép từ những trải nghiệm mà trẻ có được. Chính những mảnh ghép này làm nên sự phát triển toàn diện của trẻ sau này. Thiếu hụt những mảnh ghép đồng nghĩa với việc trẻ nghèo nàn trong nhận thức, suy nghĩ và giải quyết vấn đề.
Mảnh ghép làm sao có được? Đó chính là tương tác của bạn, trò chuyện là một phần rất quan trọng của quy trình này.
Gợi ý những câu chuyện bạn có thể nói với trẻ từ đầu kì cuối thai kì – 8 tháng tuổi
Giai đoạn này là cấu trúc não bộ được xây dựng, trẻ ít có những tương tác ngược lại với bạn, nhưng việc “đánh banh qua lưới” cho trẻ vẫn được khuyên vì nó sẽ kích thích sự phát triển của trẻ giai đoạn sau. Chọn những thời điểm tốt nhất để trò chuyện với trẻ như khi bạn nằm thư giãn cùng thai/trẻ, khi thay tã cho bé, khi cho bé bú.
Có 3 cách bạn có thể tạo ra câu chuyện có nội dung cho nhóm tuổi này:
1. Hãy thuật lại 1 câu chuyện bạn cảm thấy vui trong ngày
Bạn vừa tìm được 1 quyển sách: Hãy nói tại sao bạn thích quyển sách này, bạn đã đi đến nhà sách nào mua? Bạn tìm thấy nội dung quyển sách này thú vị ra sao?
Bạn giúp 1 cụ già qua đường: Bạn mô tả đường xá lúc này đông đúc ra sao? Tại sao cụ qua đường khó khăn? Bạn đã làm gì để giúp cụ qua đường?
2. Hãy kể việc đang làm với bé
Khi thay tã cho bé: Bạn hãy kể từng bước của quy trình: Đầu tiên, làm sao mẹ biết con cần thay tã? Mẹ tháo gì đầu tiên? …
Khi cho trẻ bú: Con có biết mẹ thích nhìn con bú như thế nào không? Cái miệng nhỏ xíu mà tham ăn quá! Nhưng nhìn con bú mẹ rất vui vì con sẽ lớn nhanh và khỏe mạnh. Hôm nay mẹ có ăn cay 1 tí, liệu con có thích ăn cay giống mẹ không? Con ợ 2 lần rồi đó, để mẹ đổi bên cho con bú thoải mái hơn nhé!
3. Hãy kể cho bé nghe về ai đó bạn nhớ
Ba con đi công tác xa: 2 ngày rồi mẹ không gặp ba con rồi, chắc giờ ba con cũng nhớ mẹ con mình, nhưng cuối tuần ba con sẽ về rồi, con nghĩ mẹ sẽ nấu món gì cho ba con ăn nhỉ? À mẹ rất giỏi làm món gà nướng, vậy nhé! Để mẹ xem chúng ta có cần đi siêu thị cuối tuần để mua thêm gia vị ướp gà không?
Gợi ý những câu chuyện bạn có thể nói với trẻ từ 8 tháng tuổi – 5 tuổi:
Có 5 cách bạn có thể tạo ra câu chuyện có nội dung:
1. Tìm 2 nhân vật trong câu chuyện của bạn
Bạn được khuyên là tìm những nhân vật gần gũi với cả bạn và bé để tạo câu chuyện nói với trẻ.
Một số cặp nhân vật gợi ý: Chó-mèo, bươm bướm-bông hoa,…
Lựa chọn những thứ gần gũi xung quanh làm chủ đề cho cuộc nói chuyện với con. (Ảnh minh họa)
2. Tìm 1 nhân vật và 1 hành động đặc trưng của nhân vật đó trong câu chuyện của bạn.
Bạn được khuyên là tìm những nhân vật gần gũi với cả bạn và bé để tạo câu chuyện nói với trẻ.
Một số cặp nhân vật – hành động gợi ý:
Ba – làm vườn
Mẹ – nấu ăn
Bà – bế con mỗi ngày
Cún con- vui mừng chạy lại khi chúng ta về
Rất nhiều câu chuyện bạn có thể đan xen để nói về ai đó và những việc làm hay hành động của họ, bạn vẫn có thể gợi ý cho trẻ nhớ và kể về nó.
3. Tìm 1 nhân vật và bé là 1 nhân vật khác trong câu chuyện của bạn
Bạn được khuyên là tìm những nhân vật gần gũi với cả bạn và bé để tạo câu chuyện nói với trẻ.
Một số gợi ý:
Ba và bé: Ba mua sách cho con, con còn nhớ tại sao con chọn quyển này? Ba có gợi ý như thế nào?
Ba có thể đọc sách cùng con. (Ảnh minh họa)
Dì út và bé: Dì út thích cột tóc không? Tóc con ngắn vậy, làm sao con thích dì út bính tóc cho con? Dì út có bính tóc không?
4. Tìm 1 hành động và cả 2 mẹ con là 2 nhân vật liên quan đến hành động trong câu chuyện của bạn
Bạn được khuyên là tìm những hành động gần gũi với cả bạn và bé để tạo câu chuyện nói với trẻ.
Một số gợi ý:
Lựa vớ vào sọt: Chiếc nào của con nè? Của mẹ và của bố đâu? Con có thích thử mang vào chân chiếc của bố không? Nó có vừa không?
Làm bếp cùng mẹ: Con giúp mẹ lựa lá màu tím ra khỏi rổ nhé? Khoai tây và khoai lang khác nhau chỗ nào nè? Tại sao phải rửa sạch trước khi chế biến và ăn?
5. Tìm 1 tình huống và đặt tình huống cho bạn và bé cùng giải quyết tình huống trong câu chuyện của bạn.
Bạn được khuyên là tìm những tình huống gần gũi với cả bạn và bé để tạo câu chuyện nói với trẻ.
Tình huống gợi ý:
Gặp Đèn đỏ: Chúng ta làm gì nào? Tại sao chúng ta lại dừng lại? Mọi người bên đường khác sẽ đi? Đèn xanh sẽ báo hiệu gì, đèn vàng khi nào sẽ xuất hiện? Rất nhiều câu chuyện bạn có thể đan xen để chuyến đi trên đường của bạn và bé không nhàm chán.
Gặp cụ già bán vé số: Cụ trông như thế nào? Cụ có già giống bà ngoại không? Tại sao cụ lại bán vé số giữa dòng xe đông nghẹt? Tối rồi sao cụ không về nhà? Có lẽ cụ không có gia đình? Con nghĩ chúng ta nên mua giúp cụ 1 tờ vé số nhỉ? Con nhận vé số từ tay cụ con sẽ nói gì? Rất nhiều câu chuyện bạn có thể đan xen để dạy bé hiểu hơn về lòng yêu thương.
Theo https://eva.vn/